Đó là những nhận định cốt lõi trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023) của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ðể chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng bi quan, bế tắc, năm 1943, Ðảng ta đưa ra “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Ðông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943. Ðề cương có những vấn đề lớn như “Cách đặt vấn đề”, “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”, “Nguy cơ văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật - Pháp”, “Vấn đề cách mạng và văn hóa Việt Nam”, “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác-xít Ðông Dương và nhất là những nhà văn hóa Mác-xít ở Việt Nam”. Mỗi một vấn đề lại được trình bày những nội dung rất cơ bản, xúc tích với khoảng 1.500 chữ. Tuy nhiên, nội hàm của Ðề cương rất khoa học, dày dạn và đặc biệt có ý nghĩa.
Theo “Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Ðảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010)” (NXB Chính trị quốc gia, 2010), trong “Ðề cương về văn hóa Việt Nam”, phạm vi vấn đề văn hóa đã được xác định “bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”. Ðảng ta xác định ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa Việt Nam là: Dân tộc hóa, Ðại chúng hóa và Khoa học hóa. Vào thời điểm năm 1943, Ðảng ta đã xác định nền văn hóa mới mà cuộc cách mạng văn hóa phải thực hiện là văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức, dân chủ về nội dung.
Cũng theo “Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Ðảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010)”, “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng. Trong đó, Ðề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa) và nêu rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát-xít Nhật - Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng văn hóa. Ðề cương cũng đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát-xít, xây dựng đường lối văn hóa mới của Ðảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
80 năm đã trôi qua, “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc. Những nội dung, giá trị cốt lõi của Ðề cương đã được Ðảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển, nhằm góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, tạo sức mạnh “mềm”, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
Báo Cần Thơ