Ðờn ca tài tử
Nghệ thuật đờn ca tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, được ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Hệ thống bài bản của đờn ca tài tử rất phong phú, đa dạng; được các nhóm nghệ nhân tiên phong, bậc thầy thống kê, phân nhóm gồm 20 bài bản Tổ, gọi là “Nhị thập huyền Tổ bản”, gồm: 3 bài thuộc điệu thức Nam, 6 bài thuộc điệu thức Bắc, 7 bài thuộc điệu thức Bắc Lễ và 4 bài thuộc điệu thức Oán.
Nhạc cụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử khá phong phú, nhưng thường quen thuộc là bộ tứ tuyệt: kìm, cò, tranh, bầu cùng với song lang (loan). Nghệ thuật đờn ca tài tử thịnh hành và lan tỏa khắp 21 tỉnh, thành Nam Bộ.
Trong lịch sử của nghệ thuật đờn ca tài tử, vùng đất Cần Thơ có nhiều đóng góp rõ nét, thể hiện ở các ban tài tử ra đời sớm nhất, thầy tuồng, nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề, trổi vượt... Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử ở Cần Thơ phát triển khá mạnh, đều khắp ở các địa phương trong thành phố.
Ngày 5-12-2013, UNESCO công nhận Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Văn hóa Chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng tọa lạc trên sông Cần Thơ, đoạn chảy qua địa bàn quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố chừng 6km. Chợ hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX, nổi bật cho loại hình chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.
Ðến nay, chợ nổi Cái Răng vẫn là chợ nổi nổi tiếng, được thế giới biết nhiều và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Ðô.
Chợ nổi Cái Răng.
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, việc mua bán, sinh hoạt của thương hồ dần hình thành nên nét văn hóa độc đáo - Văn hóa Chợ nổi Cái Răng. Văn hóa đó được thể hiện ở phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian, qua việc mua bán, quảng bá sản phẩm đến thờ cúng, giao tiếp của thương hồ...
Với nét văn hóa đặc trưng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã đưa Văn hóa Chợ nổi Cái Răng vào Danh mục DSVHPVT quốc gia ngày 10-3-2016.
Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy
Ðình Bình Thủy tọa lạc tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngoài kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mỗi năm, đình đáo lệ Kỳ yên 2 lần, gọi là Thượng điền và Hạ điền.
Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Ðình Bình Thủy.
Kỳ yên Thượng điền là lễ hội lớn nhất trong năm ở Ðình Bình Thủy, diễn ra từ ngày 12 đến 14-4 âm lịch, trang nghiêm phần lễ như Lễ Ðưa Sắc Thần du ngoạn, Lễ Tế Thần Nông, Lễ Thay Khăn Sắc Thần, Lễ Xây chầu - Ðại bội, Lễ Tế Bàn Soạn, Lễ Túc Yết, Lễ Tế Sơn Quân... và nhiều hoạt động phần hội rộn ràng. Kỳ yên Hạ điền diễn ra vào ngày 14 và Rằm tháng Chạp âm lịch, phần lễ tương tự nhưng có giản lược.
Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia ngày 30-1-2018.
Hò Cần Thơ
Hò Cần Thơ được phân bố trên nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ, tập trung ở địa bàn huyện Thới Lai, quận Ô Môn và quận Cái Răng. Ðây là loại hình hò hát dân gian có từ hơn 100 năm qua, hình thành từ quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt đời thường của người dân.
Hò Cần Thơ nhìn chung có 3 loại hình căn bản là hò mái dài, hò cấy và hò huê tình. Các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam Bộ, nhưng cũng có những nét riêng của vùng đất Cần Thơ.
Nghệ nhân trình diễn Hò Cần Thơ.
Tại Quyết định số 446/QÐ-BVHTTDL ngày 29-1-2019, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã đưa Hò Cần Thơ và Danh mục DSVHPVT quốc gia.
Hát ru của người Việt ở Cần Thơ
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, từ xa xưa, người Cần Thơ đã dùng câu hát ru để trẻ em ngon giấc ngủ. Tiếng ru của bà, của mẹ, của chị dần đi vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt ở Cần Thơ, ăn sâu vào tâm thức văn hóa một cách bền chặt. Ðiệu hát ru của người Việt ở Cần Thơ tạo được sắc thái riêng trong âm điệu, tiết tấu và nội dung lời ru.
Nghệ nhân trình diễn hát ru.
Với những giá trị tiêu biểu trong loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, Bộ VHTT&DL công nhận Hát ru của người Việt ở Cần Thơ là DSVHPVT quốc gia vào ngày 30-9-2020.
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng
Làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, có quá trình hình thành và phát triển khoảng 200 năm. Nhiều thế hệ người dân địa phương đã nối nghiệp, giữ nghề truyền thống, hình thành những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo trong thực hành làm bánh. Ðó là các công đoạn, bí quyết từ chọn nguyên liệu đến làm bột, tráng bánh, pha bánh... để làm nên những loại bánh tráng ngon như bánh tráng mặn, bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa...
Bà con làng nghề bánh tráng Thuận Hưng gắn bó với nghề.
Với những giá trị độc đáo đó, Bộ VHTT&DL đưa Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, ngày 6-3-2023, loại hình nghề thủ công truyền thống.
Nguồn: Báo Cần Thơ