Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Diễn ngôn mang dấu ấn sông nước của người Nam Bộ
Ngày đăng: 25/07/2023

Lượt xem:


"Nước không chưn sao kêu nước đứng/ Cá không giò sao gọi cá leo..." - câu ca xưa cho thấy sự kỳ thú trong sử dụng ngôn từ của người Nam Bộ. Một vùng đất bốn bề sông nước, ngó trước đã thấy sông, ra sau đã thấy rạch, bước qua bên hông nhà lại thấy con kinh... Môi trường sống đã tác động vào cách ăn, lối nói của người Nam Bộ. Lâu dần, người Nam Bộ hình thành một nét đặc trưng ngôn ngữ đậm dấu ấn sông nước.
Đời sống "buông dầm cầm chèo" đã hình thành nên lớp ngôn ngữ mang đậm dấu ấn sông nước của người Nam Bộ.

Ở bài viết này, chúng tôi xin không đề cập đến yếu tố lịch sử, ngôn ngữ của lớp ngôn từ liên quan đến yếu tố sông nước. Trong phạm vi nhỏ hơn, bài viết chỉ xin trình bày đôi điều thú vị, mấy câu chuyện vui vui về chủ đề này.

Hồi xưa, khi đồng hồ chưa thịnh hành như bây giờ, người Nam Bộ nhìn trời, ngó nước mà đoán giờ. Mùa hạn khi trời trong, bà con ngó lên coi bóng mặt trời mà đoán giờ, độ chính xác rất cao. Nhưng đoán giờ bằng con nước thì mới tài tình hơn. Mấy ông già xưa hay lần đốt ngón tay đếm ngày, rồi đoán trúng chẳng sai, ngày nào (âm lịch) thì khi nào nước lớn, khi nào nước ròng. Cũng vì con nước gắn liền với chuyện sinh hoạt, đi lại, canh nông mà bà con nắm rất kỹ những con nước trong một tháng với các thuật ngữ rất có duyên: nước ròng, nước lớn, nước đứng, nước rong, nước kém... đã vậy, lại còn nước lớn đầy, nước ròng ương, ròng kém, ròng sát.

Vậy nên mới có câu ca dao vừa trích dẫn ở trên, hay là: "Mùng mười nước chảy. Mùng bảy nước rong"; "Mười bảy nước nhảy khỏi bờ"; "Sông sâu nước chảy, mùng bảy kém rồi. Tảo tần chi lắm, cái nồi cũng ra cái ơ". Một cách nhận diện con nước qua tiếng chim kêu: "Bìm bịp kêu nước lớn em ơi. Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê". Mà đã có "nước đứng" thì cũng có "nước bò" - trạng thái nước từ từ dâng lên cao.

Dấu ấn sông nước rất rõ trong cách dùng từ ẩn dụ của người Nam Bộ. Anh em bạn rể là cách dùng chung, ở Bắc Bộ hay gọi là đồng hao, nghĩa là hai người đàn ông cùng làm rể chung một gia đình. Nam Bộ lại có cách gọi rất hay là "anh em cột chèo". Ðó là vật dụng trong việc di chuyển xuồng hay ghe. Cột chèo đóng vào mũi, lái xuồng ghe, làm trụ để mắc chèo vào. Hình ảnh "anh em cột chèo" cho thấy sự thân tình, gắn kết và mang đậm tính sông nước. Lại cũng nói về chuyện chàng rể, anh nào làm rể không tâm không ý, chểnh mảng chuyện nhà vợ hay vì tính nông cạn mà "tâm hơ tâm hất" thì được lối xóm gọi là đồ "rể điên điển" hay là "rể bông súng". Ở đây, có sự trại âm của từ con rể và rễ cây. Ðiên điển và bông súng là loại cây mọc dưới nước, thân nước không chắc, bộ rễ càng tệ hơn, dễ úng hư, không chắc chắn... nên ví là rễ những loài cây này thì coi như "hết xài".

Ðể chỉ người nào đó miệng mồm liến thoắng, mồm năm miệng mười thì người Nam Bộ diễn đạt là "tép lặn, tép lội". Người nào mà trong cuộc nói chuyện luôn muốn chứng tỏ mình nói trúng, nói phải, có ý chỉ bảo người khác, hoặc tỏ ra mình là người có địa vị, có học thức, thì gọi là nói chuyện "nước lớn" (nghĩa khác của từ "nước lớn" trong phương ngữ Nam Bộ còn để chỉ những người nói chuyện lớn tiếng, phát âm "lấy hơi lên", làm long trọng hóa vấn đề bình thường). Bằng ngược lại, ai là người lép vế, thua sút, ở thế bị động hoặc mắc lỗi lầm thì nói chuyện đành phải xuống "nước nhỏ". Cũng có người, có tình huống nói chuyện không thể trắng đen rạch ròi, được hay không được không rõ ràng, không thể theo phe này cũng không thể bỏ bên kia, thì đành phải nói chuyện "nước đôi".

Cũng có kiểu nói chuyện khác, đó là muốn rẽ chủ đề đang nói sang một hướng khác hay chủ đề khác vì cố tình lãng tránh hoặc muốn đổi chủ đề theo ý riêng, gọi là "bẻ lái". Bẻ lái cũng được hiểu trong nội hàm ngữ cảnh, người nào đó muốn làm thay đổi cục diện, suy nghĩ một vấn đề nào đó. Cũng là bẻ lái, nhưng không phải ý cố tình mà do người giao tiếp không có kỹ năng, hoặc không nắm bắt vấn đề đang giao tiếp, xen ngang câu chuyện bằng câu chuyện khác một cách vô duyên, gọi là "đâm xuồng bể". Một cách nói chuyện "trớt quớt"!

Diễn đạt chuyện vụng trộm, ngoại tình bất chính, chỉ 2 từ đơn giản "thăm lọp", "đổ lọp". Chuyện gì mà cứ để hoài không giải quyết thì được gọi là "ngâm tôm", "để sình". Mà "ngâm tôm" đến mức để hoài bỏ luôn, thì gọi là "chìm xuồng". Lại nói về chuyện chìm nổi của con nước, dấu ấn khi miêu tả màu sắc là rõ ràng: "Nay chế mặc cái áo này nổi quá!", "Màu này chìm nghỉm hà má ơi, lựa tươi tươi lên coi, đi đám cưới cháu nội mà". Một không gian mà có quá nhiều người chen nhau, người ta dùng hình ảnh "như thau cá kèo".

Khẳm là phương ngữ Nam Bộ, dùng để sự quá tải trong quá trình vận chuyển trên sông nước như ghe khẳm, khẳm xuồng. Từ nghĩa đó, từ khẳm được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác, đại ý là hơn mức mong đợi, quá sức tưởng tượng, như giàu khẳm, gánh khẳm, lời khẳm, trúng khẳm... hay có khi chỉ dùng từ khẳm là đủ hiểu trong bối cảnh ngữ nghĩa có sẵn. Ví như anh nọ mới thu hoạch lúa trúng, bán giá cao, có người nói: "Chuyến này khẳm rồi nghe!".

Ghe bán hàng bông trên con nước ròng.

Câu cá không lạ gì với người Nam Bộ. Câu cá mà gặp bầy cá khôn thì tức anh ách. Cá ăn mồi theo kiểu phá chứ không ăn sâu, nên không mắc lưỡi câu, gọi là phá mồi. Câu cá mà gặp bầy cá chốt rỉa thì tức cũng không kém. Từ hình ảnh này, trên bàn nhậu, gặp ai ăn nhiều mà uống ít, thì gọi là "phá mồi" hay "cá chốt rỉa". Cũng từ "cá chốt rỉa" nhưng không liên tưởng "nội dung" (cách ăn của cá) mà "hình thức" (vẻ ngoài của miếng thức ăn), người ta hay dùng cụm từ này để diễn tả về sự rách rưới, không nguyên vẹn, không tươm tất trong trang phục, đầu tóc.

Cũng nói về chuyện đánh bắt cá, người Nam Bộ có cách quăng chài hay vãi chài, nghĩa là tung chài lưới bắt cá, cá nhỏ lớn thảy đều dính hết. Quăng chài hay vãi chài từ nghĩa đen đó mà trại nghĩa, được dùng để chỉ những người làm việc đưa ra nhiều phương án, nhiều dự trù hay làm ở độ phổ rộng để đảm bảo có thu hoạch. Ví dụ một nhạc sĩ hay thi cử các cuộc thi sáng tác, khi được hỏi kết quả năm nay thế nào, thì trả lời: "Chắc cũng có chút đỉnh, làm sao khỏi, tui vãi chài khắp cả nước mà".

Ở Nam Bộ, có những từ rất lạ nhưng dùng riết thành quen. "Xe đò" chẳng hạn. Ðã xe sao lại còn đò? Ðò là phương tiện chở khách trên sông, có thể ngang sông, gọi là đò ngang, hay tuyến đường dài, gọi là đò dọc. Từ ý nghĩa của từ đò này, người Nam Bộ dùng vào loại hình dịch vụ đường bộ, gọi là xe đò: "Má mới bắt xe đò ra huyện làm giấy rồi?". Ví dụ khác cho kiểu "chạy nghĩa" này là từ quá giang, người Nam Bộ gọi trại là "có giang". Giang là sông, hồi xưa ai cũng đi bộ nên "có giang" chỉ là qua sông, trên sông. Bây giờ, từ "có giang" hiểu chung cho việc đi nhờ, ở nhiều loại phương tiện từ trên bờ cho tới dưới sông.

Hồi đó, thợ cắt tóc ít khéo tay như bây giờ, phần do công cụ hành nghề hạn chế. Có người đi hớt tóc về ai gặp cũng cười, hỏi: "Bây hớt tóc kiểu gì mà sặc rằn không vậy". Ðó là mái tóc bị hớt không đều, chỗ đậm, chỗ nhạt, mà nhìn con cá sặc rằn thì y chang. Hình ảnh thứ hai là râu cá chốt, loại râu không đậm và dày mà lưa thưa, nhìn y như râu cá chốt. Râu cá chốt thường dùng cho những người không đoan chính, đường hoàng.

Tốp con trai nhỏ nhỏ hồi xưa, hễ học xong về nhà quăng cái cặp là đi chơi liền, hết leo cây thì nhảy xuống sông. Quậy quá thì bị rầy: "Quậy "đục nước" vậy, con?". Ðã quậy, ăn nhiều mà còn làm biếng thì bị rầy tiếp: "Ăn thì như xáng múc mà làm thì như lục bình trôi". Có làm mà lúc làm lúc nghỉ, không làm tới nơi tới chốn thì cũng không nên: "Con ơi, làm cái gì thì ráng mà làm cho rồi, bây cứ "lặn hụp" vậy hoài, hỏi sao khá không nổi!". Bởi vậy, đã làm thì phải làm hết mình, là chơi thì phải chơi hết sức - ấy gọi là chơi "tới bến".

Riêng với chuyện nhậu, nhậu mà huốt cả "tới bến" thì "bể đập" luôn rồi! Có anh em lâu ngày không gặp lại, chơi, bày mâm nhậu, gia chủ rủ rê kiểu: "Lâu quá anh em mình mới ngồi nhậu, bữa nay "bứt dây thả tuốt" một bữa nghe!". Gia chủ nhậu tiếp khách là phải nhậu hết mình, nhậu "tới bến", bởi vì lúc nào cũng mang tiếng "chìm xuồng tại bến". Ðó là một hình ảnh ví von rất hay, xuồng chìm tại bến thì dễ dầu gì xuồng trôi được, cũng vậy, nhậu mà xỉn tại nhà thì dù "quắt cần câu" cũng không chuyện gì.

Có những từ ngữ đơn giản, bình dân, nghe thành quen, dùng thành thuộc, nhưng ngẫm lại mới thấy sự tinh tế, giàu triết lý và hình tượng của ông bà ta xưa. Phương ngữ Nam Bộ, cách riêng lớp từ có liên quan đến dấu ấn sông nước, đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa phương Nam.


Nguồn: Báo Cần Thơ


14dd302e-6979-47c0-84af-22d784589cdd

Tiêu đề bài viết: Diễn ngôn mang dấu ấn sông nước của người Nam Bộ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français