Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Ðôi đũa trong văn hóa truyền thống
Ngày đăng: 25/10/2023

Lượt xem:


Ðôi đũa từ lâu đã trở thành vật dụng rất quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Chẳng những quen thuộc trong đời sống hằng ngày, đôi đũa còn ẩn chứa nhiều nét văn hóa đẹp của Việt Nam.
Xề chén đũa với ống đũa đặc trưng ở Nam Bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Cùng với Việt Nam, nhiều dân tộc như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc... cũng sử dụng đũa trong bữa ăn hằng ngày. Ðến nay chưa có tài liệu nào chính thức xác nhận dân tộc hay quốc gia đầu tiên sáng tạo nên đôi đũa. Tuy nhiên, có những nghiên cứu cho rằng: “Cách sử dụng đũa trên bàn ăn của người châu Á, trong đó có người Việt là học cách ăn của những loài chim. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, là nơi thích hợp cho các loài chim sinh sống như sếu, vạc, cò… Những loài chim này gắn bó với cuộc sống của người nông dân và đi vào những bài hát, những câu ca dao, đồng dao, trở thành hình tượng khắc trên trống đồng, biểu tượng của nền văn hóa cổ đại. Chính nhờ những mối liên hệ như thế, đôi đũa đã xuất hiện trên mâm cơm của người Việt và trở thành nét đẹp văn hóa mà người Việt vô cùng tự hào”(1).

Như vậy, “bằng góc nhìn về gốc văn hóa, dường như chúng ta đã mường tượng ra phần nào được chân dung của chủ nhân sáng tạo ra đôi đũa? Phải chăng là những cư dân thuộc gốc văn hóa nông nghiệp lúa nước với thành phần bữa ăn cơ bản là: cơm + rau + cá + thịt (tinh bột, vitamin, đạm)? Nhìn vào thành phần bữa ăn cơ bản này, ta thấy rằng, tất cả những đồ ăn ấy chỉ có sử dụng đôi đũa mới đem lại hiệu quả tối ưu”(2). Ngoài ra, “ăn bằng đũa chính là cách ăn đặc thù xuất phát từ cư dân trồng lúa nước Ðông Nam Á cổ đại. Trong khi người phương Tây phải dùng một bộ đồ ăn gồm ít nhất là thìa, đĩa, dao, mỗi thứ thực hiện một chức năng riêng rẽ và chặt chẽ thì đôi đũa của người Việt Nam thực hiện một cách cực kỳ linh hoạt hàng loạt chức năng khác nhau: gắp, và, xé, xẻ, dầm, khoắng, trộn, vét… nối cho cánh tay dài ra để gắp thức ăn xa!”(3).

Ðôi đũa vì vậy không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng để gắp thức ăn trong bữa cơm hằng ngày mà còn thể hiện nét bản sắc trong đời sống và tập quán của người Việt.

Chất liệu làm nên đôi đũa cũng rất phong phú và đa dạng, từ chất liệu kim loại (vàng, bạc, nhôm…) thường được vua chúa quan lại thời xưa sử dụng để phân biệt giai cấp, hay đến các loại chất liệu thiên nhiên (tre, trúc…). Ðặc biệt, đũa làm từ tre, trúc gắn liền với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, với đời sống thường nhật của người Việt, cũng bởi một phần lý do biểu tượng của làng quê Việt chính là hình ảnh của cây tre, cây trúc. Trên quê hương Việt Nam, lũy tre làng là hình ảnh thơ mộng, hầu như được mọc khắp nơi, từ đầu làng, trước ngõ, sau hè, bờ ao, cho đến bờ rào hay đầu đình. Người Việt khi trồng tre, họ không nghĩ đến kinh tế hay việc làm đẹp mà vì lũy tre xanh ấy là bản thân, là linh hồn và đất nước quê hương. Vì thế, khi cầm đến đôi đũa tre, người Việt cảm thấy gần gũi với thiên nhiên và nguồn cội, đất nước, cha ông hơn. Ðũa tre tuy đơn giản mộc mạc, nhưng đã nhắc nhở con cháu Việt Nam một cách âm thầm trong mọi bữa ăn về xứ sở của mình.

Ðũa tre nhà nào cũng giống nhau, chẳng khác gì một nhịp cầu kết hợp mọi người con dân Việt như bộ đồng phục mang ý nghĩa bình đẳng trên khắp nước ta. Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam đã hơn một lần chứng minh cho ta thấy về sự bình đẳng được biểu hiện qua đôi đũa theo văn chương. Hai chiếc đũa phải bằng nhau, như tiêu biểu cho sự bình đẳng gắn liền với đời sống nên có giữa hai vợ chồng: “Vợ chồng như đũa có đôi”. Hai chiếc đũa lệch nhau giống như cặp vợ chồng có chiều cao không cân xứng. Cho nên ca dao có câu: “Ví dầu chồng thấp vợ cao / Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”.

Từ đây cho thấy, người Việt đã đi xa hơn trong hình ảnh đôi đũa tre nói về sự cân đối, hài hòa; xem như yếu tố không thể thiếu trong vấn đề hôn nhân và tình bạn vững chắc. Ðiểm đặc biệt, kho tàng văn học Việt Nam còn dùng đũa làm truyện ví dụ để dạy con cháu hiểu rõ về sự đoàn kết đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam(4).

Có thể khẳng định là người Việt đã sử dụng đũa từ rất lâu đời, ít nhất là cách đây 2000 năm qua việc phát hiện đôi đũa có trong mộ cổ Lạch Trường. Ðôi đũa - vật dụng quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của mỗi người Việt tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng ẩn chứa chiều sâu văn hóa, mang tính triết lý “về đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với đất mẹ, về mối quan hệ vợ chồng. Dù cho đời sống văn hóa ẩm thực ngày càng trở nên đa dạng với sự du nhập của các loại đồ ăn đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng người Việt chúng ta vẫn giữ gìn và tô đẹp hơn cho hình tượng đôi đũa trong mâm cơm gia đình, trong văn hóa ẩm thực của dân tộc”(5).l

Huỳnh Hà

---------------------

(1) Phạm Ðức Dương - Phạm Thanh Tịnh - Trần Thị Ngân (2014), “Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam”,
NXB Văn hóa Thông tin, tr.420.

(2) Phạm Ðức Dương - Phạm Thanh Tịnh - Trần Thị Ngân, Sđd, tr.411.

(3) Trần Ngọc Thêm (1996), “Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.394.

(4) Phạm Ðức Dương - Phạm Thanh Tịnh  - Trần Thị Ngân, Sđd, tr.419-422.

(5) Phạm Ðức Dương - Phạm Thanh Tịnh  - Trần Thị Ngân, Sđd, tr.420.

 


Nguồn: Báo Cần Thơ


3cb20b25-dba4-49fd-8591-f709256963f3

Tiêu đề bài viết: Ðôi đũa trong văn hóa truyền thống. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français