Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Học và thi võ ngày xưa
Ngày đăng: 14/06/2023

Lượt xem:


Lịch sử nước ta qua các triều đại đều có những cuộc thi cử rất nghiêm túc để chọn quan văn, quan võ. Hệ thống thi cử chọn quan văn đã sớm được tư liệu, sách sử ghi chép khá rõ ràng, chi tiết. Các cuộc thi võ nghệ để chọn võ quan ít tài liệu hơn. Dù vậy, từ thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, các cuộc thi võ được ghi chép khá rõ ràng.
Tập luyện Võ cổ truyền tại TP Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Minh

Việc học võ thời vua Minh Mạng được kể lại rằng thường phổ biến trong dân gian ở các lò võ. Các bước tuần tự gồm tập thể lực trước, sau mới tập các chiêu thức, thế võ.

Việc rèn luyện không cần dụng cụ cầu kỳ, nhưng lại hiệu quả. Đầu tiên là tập xách nặng bằng quả chì hay một hòn đá nặng 50-60 cân, nhằm làm cứng cáp gân xương. Sau đến tập đu bằng cách kiếm cành cây cứng, hoặc làm giá đu. Người tập đu, đánh mình như đưa võng, từng mức, từ ít rồi tăng dần lên đến khi hai đầu gối ngang với cành cây hay giá đu, thì bắt đầu tập lộn cho dẻo xương. Luyện tay thì dùng một bao lúa, mỗi ngày dùng tay đấm thẳng vào đến khi đủ lực xuyên thủng. Luyện chân bằng cách đá vào thân chuối, bao lúa, lâu dần đá vào tường gạch cũng không biết đau. Việc tập nhảy thì được tiến hành ở một chỗ gò nhỏ. Người tập đổ cát vào hai ống quần, buộc chặt lại, rồi nhảy lên gò. Cát đeo từ ít đến nhiều. Tập dài ngày theo từng cấp độ. Đên khi nhảy quen thì đổ cát ra. Lúc này thân hình nhẹ nhàng, có thể phóng nhảy lên cao hơn bình thường rất nhiều. Tập côn, tập đấu, tập khiên mộc, tập múa đại đao... đều có bài bản riêng. Thầy dạy dùng mõ điều khiển, môn sinh theo tiếng, nhịp mõ mà đi bài tập. Trước lúc tập thường ăn cháo cho nhẹ bụng. Nếu đau gân cốt thì xông nước lá tre.

Vào thời nhà Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 17 bắt đầu có mở khoa thi võ nghệ. Năm Thiệu Trị thứ 5 có quy định cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa “Võ Hương thí”, cứ sau kỳ thi văn chương thì kế tiếp thi võ. Thi võ được chia làm 3 kỳ, đại thể như sau:

- Kỳ thứ nhất: người thi phải xách hai tay hai quả tạ nặng 120 cân ta, đi 16 trượng (mỗi trượng tương đương 4m) trở lên. Hoặc có thể xách một quả một tay đi 32 trượng trở lên được xếp “ưu hạng”. Xách một quả đi được 24 trượng trở lên được xếp “bình hạng”, 2 quả đi 8 trượng xếp “thứ hạng”, không đạt các số trên được xem là “liệt hạng”.

- Kỳ thứ hai: người thi cầm côn sắt nặng 30 cân vừa đi vừa thể hiện các đòn thế. Hễ đi được 60 trượng là “ưu hạng”, 40 trượng là “thứ hạng”. Không đủ số ấy là “liệt hạng”. Sau đó dùng thanh gươm 7 tấc, đứng cách người bù nhìn 3 trượng phóng về phía hình nộm. Nếu đâm trúng, xuyên ngay chính diện bù nhìn sẽ được chấm “ưu hạng”, đâm trúng là “bình hạng”, trúng sượt là “thứ hạng”, đâm không trúng là “liệt hạng”.

- Kỳ thứ ba: thi bắn súng. Đứng cách xa mục tiêu 20 trượng 5 thước, bắn 6 phát. Trúng đích 2 phát, trúng tâm 1 phát, 3 phát trúng ụ đất được xếp “ưu hạng”. 1 trúng đích, 1 trúng tâm, 4 trúng ụ đất xếp “bình hạng”. 2 phát trúng vòng tròn, 4 trúng ụ đất xếp “thứ hạng”. Trúng chỉ 1 phát và không trúng phát nào xếp “liệt hạng”.

Qua ba kỳ thi, tùy theo kết quả sẽ được sẽ được xét đỗ Võ Cử nhân, Võ Tú tài… Sau phần sát hạch kiến thức võ kinh, văn lý sẽ phân bậc trên dưới. Trong các quy định sau thi Hương, đến thi Hội thì yêu cầu, tiêu chuẩn cũng tăng theo. Sức nặng, độ bền, sức mạnh, độ chính xác trong các thao tác võ nghệ là tiêu chuẩn đánh giá, chấm đẳng cấp, thứ bậc của mỗi thí sinh. Kỳ thi Đình tuyển võ quan còn đòi hỏi thí sinh phải biết chữ, được sát hạch phép dụng binh của các danh tướng, các chiến lược, chiến thuật quân sự… Thí sinh đậu kỳ thi Đình sẽ được vua phong bậc Võ Tiến sĩ, được triều đình ban áo, mão, cân, đai vinh quy bái tổ. Các thí sinh đậu trong kỳ thi Hội thì gọi là Phó Bảng.

Các loại vũ khí để tác chiến thời phong kiến được chế biến thủ công từ các lò rèn, lò luyện được triều đình đặt hàng và chế tác theo một quy cách nghiêm ngặt, nhất định. Cụ thể như Thập bát ban võ nghệ hay còn gọi Thập bát ban binh khí - là thuật ngữ dùng để chỉ 18 môn loại vũ khí cơ bản trong của các môn phái võ thuật cổ truyền, được lý giải gồm những loại vũ khí khác nhau tùy theo thời gian và địa điểm. Ở Việt Nam trong võ cổ truyền Bình Định, thập bát ban võ nghệ được lý giải gồm mười tám môn loại: siêu đao, thương, giáo, mác, kiếm, xà mâu, khiên, phủ hay phủ việt (búa), kích, roi, giản, chùy, đinh ba, cào, côn, dây vải hay dải lụa có buộc vật nặng ở đầu, tô, thủ cước (tay, chân, quyền). Hệ thống thập bát ban võ nghệ Việt Nam đã có từ thời Lê, thời Nguyễn và được đưa vào nội dung khảo hạch, thi cử để tuyển chọn các cử nhân, tiến sĩ võ. Nội dung thi tuyển này chủ yếu bao gồm bắn cung, phóng lao, lăn khiên, cưỡi ngựa, múa giáo, múa siêu đao, múa kiếm, đấu kích, múa côn, đánh quyền

Thời phong kiến ở nước ta - cụ thể gần nhất là thời nhà Nguyễn (1802-1884), ngoài các trung tâm dạy, luyện võ của nhà nước tập trung ở kinh đô và các phủ, huyện lớn, thì ở nhiều địa phương còn có các lò võ do các võ sư đảm trách. Các môn võ nghệ được truyền dạy cũng rất đa dạng phong phú. Học võ, tập võ ngày nay được xem như là một môn thể dục thể thao, rèn luyện thể chất, kỹ năng tự vệ, tham gia các giải thi đấu võ thuật trong nước và nước ngoài. Các môn võ cổ truyền và hiện đại rất được quan tâm phát huy như một giá trị văn hóa phi vật thể. Trong các cuộc thi, các võ sĩ Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tích cao, vinh danh màu cờ sắc áo nước ta trên các đấu trường khu vực và quốc tế.

------

TƯ LIỆU THAM KHẢO

- “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính, NXB Hồng Đức, 2012.

- “Sổ tay Văn hóa Việt Nam”, Đặng Đức Siêu, NXB Lao Động, 2005.

- “Việt sử xứ Đàng Trong”, Phan Khoang, NXB Văn Nghệ tái bản, 2005.

- “Đại Nam thực lục”, Quốc Sử Quán triều Nguyễn, NXB Giáo Dục tái bản, 2004.


Nguồn: Báo Cần Thơ


ab7ff0f6-0c5e-4753-9068-375210e33f31

Tiêu đề bài viết: Học và thi võ ngày xưa . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français