Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Nối nhịp cầu hội nhập văn hóa
Ngày đăng: 13/08/2023

Lượt xem:


Ðội ngũ thuyết minh viên di sản, du lịch địa phương được ví như những “nhịp cầu” kết nối hội nhập văn hóa. Qua sự giới thiệu và dẫn dắt của họ, vẻ đẹp của vùng đất và con người được tái hiện sinh động, thu hút du khách. Thời gian qua, công tác nâng chất thuyết minh, hướng dẫn tại các di tích, điểm đến văn hóa trên địa bàn TP Cần Thơ được chú trọng, góp phần “gia cố” cho những nhịp cầu ấy.
Các học sinh quận Ô Môn giới thiệu về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hò Cần Thơ.

Từ một hội thi

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền di sản văn hóa và điểm đến du lịch di sản địa phương năm 2023. Các học sinh THCS trên địa bàn thành phố đã cùng tranh tài giới thiệu di sản của quê hương mình. Học sinh Bình Thủy giới thiệu về Di tích Ðình Bình Thủy, trong đó lồng ghép kể lại truyền thuyết về địa danh Bình Thủy. Học sinh Cái Răng thì có phần giới thiệu sinh động, tái hiện nét đẹp Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa Chợ nổi Cái Răng. Trong khi đó, học sinh quận Thốt Nốt giới thiệu về Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng với đạo cụ rất chỉn chu, đồng thời còn khéo léo giới thiệu thêm về các di tích trên địa bàn, về vườn cò Bằng Lăng rộn tiếng chim kêu.

Nhưng có lẽ, ấn tượng phải kể đến là phần thi diễn của học sinh quận Ô Môn với phần giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hò Cần Thơ. Qua một hoạt cảnh sinh động, những câu hò mênh mang sông nước, những phần giới thiệu về gốc tích di sản được giới thiệu sinh động. Phần thi của quận Ô Môn đã đoạt giải Nhất hội thi. Còn với học sinh huyện Phong Ðiền, câu chuyện về Di tích quốc gia Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị được các em kể đầy say mê. Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Ðiền, nói: “Em và các bạn chuẩn bị kỹ, tìm thêm nhiều tài liệu với sự giúp sức của thầy cô để có phần dự thi tốt nhất. Em rất vui khi được giới thiệu di sản văn hóa trên quê hương mình”.

Hiện nay, TP Cần Thơ có 38 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, cùng với công trình văn hóa tín ngưỡng Ðền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ (quận Bình Thủy) và công trình văn hóa tưởng niệm Ðền thờ Châu Văn Liêm (huyện Thới Lai). Ngoài ra, thành phố ghi nhận có 116 loại hình văn hóa phi vật thể, trong đó có 5 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia gồm: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt ở Cần Thơ và Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng. Riêng nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện nay Cần Thơ cùng 20 tỉnh, thành phía Nam đang gìn giữ và thực hành.

Bên cạnh đội ngũ thuyết minh viên tại điểm thì các Ðội tuyên truyền di sản trong trường học chính là “cánh tay nối dài” để di sản được lan tỏa. Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, cho biết: Di sản văn hóa của Cần Thơ rất đa dạng và phong phú. Ðể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, rất cần sự chung tay tuyên truyền của cộng đồng, trong đó có môi trường học đường. Do đó, hội thi ngoài ý nghĩa giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền di sản văn hóa, còn là một sân chơi rèn luyện cho các em kỹ năng thuyết trình, hiểu rõ hơn các loại hình di sản văn hóa của địa phương. “Hội thi cũng sẽ phát hiện và bồi dưỡng những tuyên truyền viên di sản văn hóa và điểm đến du lịch di sản địa phương có triển vọng, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của các Ðội tuyên truyền di sản văn hóa và điểm đến du lịch di sản địa phương trong trường học”, ông Trương Công Quốc Việt nhấn mạnh.

Thuyết minh viên Dương Thị Huỳnh giới thiệu với học sinh tham quan Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Tình yêu và đam mê

Dịp hè, chị Dương Thị Huỳnh, thuyết minh viên, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận Bình Thủy khá bận rộn. Chị thường xuyên hướng dẫn khách tham quan ở các di tích trên địa bàn, đặc biệt là Di tích Căn cứ Vườn Mận. Từng hạng mục, từng hiện vật, từng chi tiết câu chuyện được chị Huỳnh thuộc nằm lòng, kể cho du khách nghe bằng sự say mê. Vậy nhưng, với chị, đó vẫn là chưa đủ. Trong các dịp cựu chiến binh về thăm căn cứ, chị lại tranh thủ tiếp xúc các cô, các chú để tìm thêm thông tin mới, câu chuyện hay. Chị Huỳnh chia sẻ: “Làm thuyết minh di tích cần nhất vẫn là tình yêu và sự đam mê với nghề. Có như vậy, thuyết minh viên mới chịu khó tìm tòi, học hỏi và trau dồi kỹ năng khi phục vụ du khách”.

Chị Lê Thị Thanh Thùy, thuyết minh viên công tác tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, có thâm niên trong lĩnh vực thuyết minh di tích. Lúc trước chị công tác ở Bảo tàng TP Cần Thơ, Ban Quản lý di tích thành phố, sau chuyển về huyện Phong Ðiền, dù ở vị trí nào thì công việc thuyết minh di tích với chị là cả một tình yêu. Ðể gắn bó với nghề thuyết minh di tích, chị Thùy cho rằng việc trau dồi kiến thức, nắm vững kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán địa phương rất quan trọng. Mỗi khi tiếp đoàn, người thuyết minh viên cần có sự chu đáo, chỉn chu từ trang phục, giờ giấc, tinh thần, vừa thể hiện sự tôn trọng du khách vừa tôn trọng công việc của mình.

Cụ thể công việc thuyết minh di tích trên địa bàn huyện Phong Ðiền, theo chị Thùy, khách tham quan khá đa dạng, từ khách du lịch đến khách đoàn đến từ các cơ quan nhà nước, học sinh, sinh viên... Mỗi đối tượng khách, chị Thùy sẽ có cách hướng dẫn phù hợp. “Cách truyền đạt cho khách tham quan là rất quan trọng. Hơn nữa, người thuyết minh phải cầu thị, lắng nghe”, chị Thùy chia sẻ.

Trên địa bàn thành phố hiện nay, bên cạnh thuyết minh viên của Bảo tàng TP Cần Thơ, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm đã từng bước được kiện toàn. Hằng năm, Bảo tàng thành phố đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng thuyết minh viên di tích cho cán bộ văn hóa cơ sở. Nhiều địa phương duy trì tốt đội ngũ này như quận Bình Thủy, huyện Phong Ðiền, quận Thốt Nốt.

Ở khía cạnh phát triển du lịch, thời gian qua, thành phố tập trung đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, gắn với hoạt động du lịch và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn khách du lịch tham quan di tích có tăng nhưng thiếu ổn định. Một số di tích chưa được đầu tư khai thác gắn với tour, tuyến phục vụ du lịch. Lực lượng hướng dẫn viên tại điểm còn thiếu, chưa được chuyên nghiệp. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của các di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm của khách du lịch thì một trong những giải pháp cần thiết là tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo cả nghiệp vụ và ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch. Ðặc biệt, cần thường xuyên quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm để truyền tải được đầy đủ các giá trị di tích văn hóa lịch sử, làm cho di tích sống động, hấp dẫn hơn.


Nguồn: Báo Cần Thơ


2c34382d-9f5c-41ad-bb8e-f441dcade827

Tiêu đề bài viết: Nối nhịp cầu hội nhập văn hóa. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français