Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè.
Hết tháng Chạp là năm cùng tháng tận. Để chào năm mới, người Việt chuẩn bị đón giao thừa - diễn ra đúng vào giữa đêm trừ tịch (hết giờ Hợi của năm trước, chuyển qua giờ Tý của năm kế). Sau đó cùng nhau ăn Tết Nguyên đán. Trong "ba ngày Tết" một lễ hội ẩm thực diễn ra ấm cúng, vui tươi, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Mọi người, mọi nhà đều dâng lên bàn thờ tổ tiên thức cúng, hương đăng trà quả, món ngon vật lạ… nguyện vái ông bà về cùng với con cháu ăn mừng năm mới, mừng muôn loài cựa mình sinh sôi nảy nở do tiết (Tết) trời ấm ấp, đó là lúc bắt đầu ("Nguyên") của một buổi sớm mai mới ("Đán").
Ở đó, lễ là phần nghi thức cúng tế có tính thiêng liêng, tưởng nhớ và dâng lên ông bà tổ tiên những thức món do chính mình nuôi trồng, sản xuất, như một cách báo thành quả của một năm lao động; còn hội là sự thừa hưởng những thức đã cúng như là một sự hưởng phúc, hưởng lộc. Cỗ bàn dọn ra, con cháu cả nhà, bạn bè, hàng xóm cùng nhau quây quần.
Dân ta ăn Tết, trước hết nhằm nêu cao truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây", thể hiện cao nhất tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên; là dịp để thăm hỏi, chúc tụng; và biếu quà Tết (những món bánh trái truyền thống nói lên tấm lòng); đồng thời tỏ sự hân hoan chào đón những điều tốt lành, suôn sẻ đang chờ đợi ở phía trước. Việc ăn uống trong những ngày Tết diễn ra bài bản và mang sắc thái đặc trưng, chứ không tùy tiện. Những vật tế cúng dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên cũng có khuôn phép theo những quy ước.
Ẩm thực và cúng kiến ngày Tết, dân gian thường kiêng dùng những món có tên gọi "khó ưa". Do đó, người ta không ăn mắm (do quan niệm mắm là món ăn của nghèo khổ cơ cực), tránh dùng các loại bí, nhất là bí đao (vừa bí vừa đau); kho tiêu (sợ tán gia bại sản - tiêu tan); sầu đâu cũng gọi sầu đông hay khổ luyện (tên nào cũng sầu, khổ). Nói chung, tùy điều kiện riêng hoặc khẩu vị, ý thích của từng gia đình, những món được ưa chuộng phổ biến là thịt kho hột vịt, thịt heo quay ăn với bánh hỏi, chả cá thác lác chiên, các món xào, hấp, luộc, nướng, lẩu, gỏi…; các món dưa chua như dưa cải, cà pháo, củ kiệu, ngó sen, dưa tỏi… cùng là các loại rau thơm.
Bánh thì phổ biến là bánh tét (được xem là "bánh thiêng" trong những ngày giỗ, Tết), bánh ít, bánh in, bánh phồng, bánh cúng, cốm dẹp… và các loại chè, mứt làm từ "cây nhà lá vườn". Rượu cúng thì nhất thiết phải cúng rượu đế và chỉ rượu đế mà thôi.
Hoa chưng cúng phổ biến là mai, đào, trang, sen, huệ, thọ, cúc, điệp… tức những loại có thể tự trồng ở sân vườn. Trái thì dưa hấu (xanh vỏ đỏ lòng), xoài, cam, quýt, bưởi (xưa là vật cống, hoặc được chọn làm quà ngoại giao), chuối, đu đủ (ngon, bổ, lại mềm). Cho dù đã trải hàng ngàn năm, dân ta vẫn giữ tục chưng cúng "ngũ quả" nhưng không phải 5 loại quả nhất định như xưa, mà quả ngon bất kỳ cũng được. Tuy nhiên để thể hiện lòng thành yêu kính, người ta vẫn cúng ông bà những loại trái ngon nhất; còn chưng thì thường để trong dĩa lớn, và số trái nhiều hơn 5, nhưng vẫn gọi là "mâm ngũ quả". Đa phần đều chọn 5 loại quả có tên gọi như ý mong muốn là cầu (mãng cầu) tiền (chọn biểu trưng là trái nho, vì trên đồng tiền xưa có chữ Nho) đủ (đu đủ) xài (xoài - được xem là vật thiêng, đúc hình chùm xoài đeo hai bên bộ lư đồng chưng trên bàn thờ) sung (sung túc). Nước thì 1 ly nước lạnh (vì ngày xưa ông bà ăn trầu, nên trước khi dùng bữa phải có 1 ly nước lạnh để súc miệng) và một bình trà là đủ.
Tất cả đều dân dã mà đậm đà tình quê, thể hiện rất rõ bản sắc và lòng tự tôn, tự hào dân tộc.
***
Ngày xưa, việc chuẩn bị nguyên vật liệu để ăn Tết thường kỳ công. Heo, gà phải nuôi trước sao cho đến Tết heo đúng tạ, gà đúng ký. Để có nếp mới gói bánh, hoặc quết bánh phồng, cốm dẹp… người ta phải tìm đổi giống nếp thơm, ngắn ngày; còn tìm chỗ đất gò hoặc bờ kinh để gieo trồng, thu hoạch sớm. Để có mươi đòn bánh tét, ít chục bánh phồng dâng cúng tổ tiên, người Việt xưa tự gói, quết. Cực mà vui, mà thanh thản trong lòng. Do vậy mà ba ngày Tết khắp nơi trong cả nước, lễ hội ẩm thực đã diễn ra đầy ý nghĩa.
Theo nhịp độ cuộc sống, thế giới hòa nhập, hiện nay việc ăn Tết không còn kỳ công như xưa. Việc tỏ lòng hiếu thảo, cúng kiến ông bà tổ tiên đã lược giản những phần câu nệ, giữ lại tấm lòng thành kính.
Với nếp văn hóa vui Tết trong tinh thần tiết kiệm, nhân dân ta không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu tiền bạc mà còn ý thức tiết kiệm cả thời gian. Ông Lê Quý Đôn, trong sách Kiến văn tiểu lục có ghi lại bài thơ trong tập Kiên biều thất, chép rằng, khi sứ thần nước Giao Chỉ qua chơi Tây Hồ ở Hàng Châu, thấy người dân Trung Quốc mải mê vui thú, say sưa nên có phú một bài thơ tuyệt cú (đã dịch):
Mỗi cành dương liễu [tài tử] mấy cành hoa [giai nhân],
Say khướt bên hồ, quán rượu ra.
Dân Việt ăn chơi đâu có thế,
Trời xuân canh cửi khắp gần xa.
Tết nay vẫn diễn ra lễ hội văn hóa, nhưng không làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Ngược lại, không vì nhịp sống hiện đại hối hả mà người Việt Nam quên đi nếp sinh hoạt truyền thống của mình. Song song với việc lược bỏ dần những chi tiết mê tín dị đoan và những lễ tục không còn phù hợp; người Việt ý thức giữ gìn và phát huy những gì thuộc về bản sắc văn hóa của dân tộc. Tết Nguyên đán sẽ không là Tết nữa nếu không còn giữ được mỹ tục quốc hồn quốc túy của dân tộc. Cũng trong tinh thần đó, các thức uống món ăn đặc trưng của ngày Tết không thể không mang hương vị của sự sum họp, đoàn tụ.
Đất nước dù trải lắm thăng trầm, nhưng nét đẹp văn hóa trong "ăn Tết" của người Việt không bị ảnh hưởng hay mai một. Nét độc đáo của Tết Việt là từ hàng nghìn năm nay, vẫn giữ được giá trị truyền thống dân tộc rất đáng tự hào.
Nguồn: Báo Cần Thơ