Sự kiện nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tham vấn chuyên gia hiến kế các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày đăng: 24/09/2021

Lượt xem:


Ngày 23/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Sở Chỉ huy với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế nhằm lắng nghe các ý kiến từ các vị trong việc tham vấn cho TP những đề xuất, giải pháp phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.
Các chuyên gia hiến kế các giải pháp phòng, chống dịch cho TP tại hội nghị.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Trần Việt Trường cho biết, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. TP Cần Thơ cũng đang đứng trước thử thách lớn trong việc vừa đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân vừa chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt lại các hệ thống kinh tế, khôi phục nền sản xuất. “Với tinh thần cầu thị, TP trân trọng lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học để làm cơ sở giúp TP xác định phương hướng phòng chống dịch phù hợp với đặc điểm tình hình trong thời gian tới. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho TP trong việc kiềm chế sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn”, ông Trường nhấn mạnh.

Vẫn phải “sống chung” với dịch

Theo Sở Y tế, hiện nay tỷ lệ người dân TP được tiêm đạt 21,4%/tổng dân số; trong đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi mới đạt 3,7%/tổng dân số. Nhiều chuyên gia cho rằng thời gian tới vẫn phải sống chung với dịch bệnh khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân TP còn rất thấp.

Nhận định tình hình dịch bệnh, BS.CKII Lại Văn Nông, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết hiện TP Cần Thơ vẫn ở mức nguy cơ cao theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia và cũng chưa hoàn toàn đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3989/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Chính vì vậy, cần nhận định sắp tới vẫn phải “sống chung” với dịch bệnh nên TP cần thực hiện lộ trình hạ dần mức độ nguy cơ, có theo dõi đánh giá thường xuyên hàng tuần trên nguyên tắc đánh giá ở phạm vi nhỏ nhất (xóm, tổ, khu phố) và quyết định phong tỏa theo phạm vi đã đánh giá này.

Về công tác xét nghiệm, truy vết, cách ly, BS.CKII Lại Văn Nông cho rằng thời gian qua việc xét nghiệm trên phạm vi quá rộng, hao tốn nhiều nguồn lực nhưng hiệu quả vẫn chưa cao; thời gian trả kết quả xét nghiệm PCR chưa đạt yêu cầu, sự phối hợp từ địa phương trong việc lấy mẫu và cơ sở thực hiện xét nghiệm chưa nhuần nhuyễn, nhất là công tác thông tin, mã hóa. Trên cơ sở đó, việc lấy mẫu xét nghiệm cần chuyển hướng từ địa phương nguy cơ sang đối tượng nguy cơ (người ho, sốt, cao tuổi, bệnh nền; người hoạt động tuyến đầu phòng, chống dịch; người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ…). Bên cạnh đó, cần rà soát, quản lý khu cách ly, phong tỏa chặt chẽ hơn, bởi thời gian qua gần 65% F0 được phát hiện ở khu vực này, đồng thời cũng nên thực hiện cách ly F1 tại nhà ở nơi có đủ điều kiện nhưng việc kiểm soát tại địa phương phải thật chặt, nhất là phát huy tốt vai trò của trạm y tế lưu động. Điều này sẽ tránh được nguy cơ lây chéo, ít tốn kém chi phí nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh.

Về với công tác điều trị, BS.CKII Lại Văn Nông cho rằng nên thực hiện theo phân 3 tầng như hiện nay nhưng cần chú ý nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tầng 2 và 3 để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong; tổ chức và vận hành tốt trạm y tế lưu động, nhất là tổ chức quản lý tại cơ sở theo nguyên lý bác sĩ gia đình. Đối với công tác tiêm vắc xin, TP cần nỗ lực có đủ nguồn vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng, trước mắt cần ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ (>65 tuổi, người có bệnh nền, người hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, nhóm cư dân tập trung cao ở đô thị, chợ…). Bên cạnh đó có thể xem xét người tiêm đủ vắc xin có thể đi lại, làm việc thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND TP trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các chuyên, gia nhà khoa học.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Thành Tài - Phó Trưởng Khoa y tế công cộng Trường Đại học Y dược Cần Thơ- nói với nguồn cung vắc xin còn ít như hiện nay, thay vì phủ đủ 2 mũi để tạo miễn dịch cộng đồng, TP nên ưu tiên cho phủ nhanh mũi 1 rộng rãi để người dân có được bảo vệ nhất định. Khi bao phủ mũi 1 ở mức ngừa bệnh khá an toàn thì lúc có nguồn cung vắc xin dồi dào sẽ tiếp tục phủ mũi 2 cho người dân. Bởi theo ông, qua nghiên cứu cho thấy mức độ tiêm rộng rãi trong dân sẽ giúp giảm sự lây nhiễm và giữ số ca nhiễm ở mức thấp.

Đồng quan điểm với PGS.TS Lê Thành Tài, BS.CKII Đặng Văn Hải - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - nêu dẫn chứng nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vắc xin dù tiêm đươc 1 mũi cũng giảm tỷ lệ nhập viện và ngăn được bệnh diễn tiến nặng, tử vong. Chính vì vậy ông đề xuất nên xem những người đã được tiêm vắc xin từ 1 mũi trở lên đủ thời gian tạo miễn dịch >2 tuần và những người khỏi bệnh về nhà sau 2 tuần như là đối tượng đã đạt “thẻ xanh”.

Cũng theo BS.CKII Đặng Văn Hải, tử vong luôn nằm ở đối tượng nguy cơ cao là: người cao tuổi, người có bệnh nền, người béo phì, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc xin. Còn ở đối tượng được tiêm vắc xin dù 1 mũi cũng tìm không thấy trong số bệnh nhân tử vong. Và một điều nữa là khi bệnh nhân cần đến can thiệp thở máy xâm nhập thì tỷ lệ tử vong luôn trên 80%. Điều này nói lên hiệu quả của 1 mũi vắc xin cao hơn rất nhiều lần so với điều trị tích cực để giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Về cách thức điều trị, BS.CKII Đặng Văn Hải cho rằng đối với các F0 vào viện là trẻ em, người trẻ không bệnh nền, đối tượng có tiêm vắc xin 1 hoặc 2 mũi, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì gần như đa số vào viện là được hỗ trợ vitamin, chờ đến ngày làm các xét nghiệm lại để đủ điều kiện xuất viện theo quy định. Vì vậy, TP nghiên cứu cho điều trị tại nhà và giao cho tổ, trạm y tế lưu động quản lý, thay vì phải đưa đến bệnh viện. Từ đó, giúp các bệnh viện thu hẹp lại khu thu dung F0 để tập trung nhân lực, vật lực chăm sóc, điều trị, theo dõi khoảng 20% bệnh nhân có mức độ bệnh từ trung bình trở lên, giảm tỷ lệ diễn tiến nặng, nguy kịch. BS Hải cũng kiến nghị nên khuyến khích và hướng dẫn người dân tự kiểm tra bằng test nhanh. Khi nghi ngờ sẽ báo cho cơ quan y tế kiểm tra và khi được khẳng định dương tính có thể cho phép người dân được phép điều trị tại nhà nếu chúng ta đánh giá tình trạng bệnh và không gian nhà đủ điều kiện, y tế sẽ hỗ trợ về chuyên môn…

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, nói hiện Cần Thơ chưa quá tải trong điều trị COVID-19 nên tận dụng thời gian này mời những thầy giỏi, có nhiều kinh nghiệm thực tế để tập huấn, đào tạo về hồi sức tích cực cho thầy thuốc chuyên điều trị hồi sức ở bệnh viện…

Ngăn chặn lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa

Về các biện pháp để hạn chế việc lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, PGS.TS Lê Thành Tài cho rằng bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, theo dõi chặt chẽ số lượng F0 phát sinh mới tại khu phong tỏa, qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo để có các giải pháp khắc phục ngay.

Bên cạnh đó, cần đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của lực lượng quản lý. Công tác tuyên truyền cần sâu sát hơn để người dân hiểu những nguy cơ lây lan dịch bệnh và ý thức hơn trong phòng chống; phát huy tối đa vai trò của lực lượng Tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng trong giám sát, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu phong tỏa, xử lý nghiêm các trường hợp tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm. Cần thiết dùng flycam để giám sát việc chấp hành quy định không ra khỏi nhà của người dân tại các khu phong tỏa, cách ly, đặc biệt là trong các hẻm nhỏ, khu vực “vùng đỏ”.

Quang cảnh hội nghị

Theo Bí Thư Thành ủy Lê Quang Mạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, hiện nay TP đang cố gắng xử lý các ổ dịch thông qua công tác truy vết, xét nghiệm, bóc tách F0 để chuyển sang “vùng xanh”. Tuy nhiên, với đô thị trung tâm như Cần Thơ thì nguy cơ của TP vẫn cao hơn so với các địa phương lân cận. Khi duy trì trạng thái giảm giãn cách xã hội thì việc vận hành cả bộ máy đòi hỏi ngành y tế vẫn phải luôn là trụ cột của toàn bộ hệ thống để duy trì sự an toàn. Ngay cả khi TP chuyển về trạng thái theo chỉ thị 15 thì chúng ta vẫn phải hiểu rằng trong TP vẫn còn rất nhiều F0. Nếu chỉ nới lỏng giãn cách xã hội mà không có các biện pháp phù hợp, khả thi thì việc giãn cách xã hội này sẽ đẩy chúng ta vào lần khủng hoảng tiếp theo, lúc đó khả năng quay trở lại sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì thế TP rất mong đón nhận thêm nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để TP xây dựng các biện pháp khả thi, hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cho rằng các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội hội nghị thể hiện sự tâm huyết với mong muốn vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa, vừa góp ý cho công tác xét nghiệm, truy vết, điều trị, bệnh nhân COVID-19. Chủ tịch UBND TP trân trọng ghi nhận sự đóng góp thầm lặng, quý gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 thông qua sự gợi ý, các hiến kế, điều này đã hỗ trợ rất tích cực cho TP trong việc kiềm chế sự lây lan, bùng phát dịch trên địa bàn; đồng thời, mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp tiếng nói của mình trong công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình của TP.

 


Thanh Xuân


6e9d1240-0ed0-475d-aec4-e5eecd280ff7

Tiêu đề bài viết: Tham vấn chuyên gia hiến kế các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang