Đề án được thực hiện theo từng loại hình trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai.
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng và hình thành các vùng sản xuất cá tra, rau quả tươi chuyên canh an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị; hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung gắn với du lịch miệt vườn, du lịch sông nước; xây dựng các điểm du lịch, ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất; vận động các doanh nghiệp và người sản xuất liên doanh, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng nông sản. Đảm bảo nhu cầu, chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu…
Theo kế hoạch, Cần Thơ sẽ xây dựng 50 mô hình liên kết hợp tác sản xuất (20-25 hộ/mô hình) chuyên canh cây ăn trái kết hợp xây dựng điểm tham quan-du lịch sinh thái vườn. Đến năm 2020, xây dựng được từ 75 vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi, với diện tích từ 750 ha tại một số vùng chuyên sản xuất rau quả hiện nay của thành phố Cần Thơ. Đồng thời, từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa trên một số sản phẩm rau, quả tươi với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao...
Được biết, hiện nay, thành phố Cần Thơ cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, vùng trồng lúa là 235.370ha, tăng 16.780 ha so với năm 2008; sản lượng lúa cả năm ước đạt 1,33 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2008. Cần Thơ cũng đã triển khai xây dựng nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tạo điều kiện tăng cường “liên kết bốn nhà”, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân.
Thành phố cũng đã xây dựng vùng trồng rau an toàn ở một số quận, huyện; phát triển nhiều vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn nông nghiệp đô thị kết hợp với du lịch sinh thái.
Nguồn: Chinhphu.vn