Nội dung cơ bản Di chúc của Bác
Nói về bản Di chúc, sau khi Bác qua đời, Bộ Chính trị họp bất thường quyết định công bố Quốc tang, công bố Di chúc của Người (đây là bản Di chúc được Người viết năm 1965 hoàn chỉnh, có chữ kí của Người và đồng chí Lê Duẩn). Lúc bấy giờ do nhiều lý do mang tính lịch sử nên một số vấn đề trong Di chúc chưa được công bố như: Việc căn dặn của Người về hỏa táng thi hài (đây là tâm nguyện hết sức nhân văn của Người - vừa tiết kiệm diện tich đất chôn cất, vừa bảo vệ môi trường, hiện nay lại là xu hướng của xã hội); việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; việc miễn giảm thuế nông nghiệp 01 năm…
Ở phạm vi, góc độ tìm hiểu cốt cách, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bản Di chúc được công bố năm 1969, có thể khái quát với những nội dung cốt lõi sau:
- Nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.
- Nói về đoàn viên và thanh niên, Bác nhấn mạnh: Phải chăm lo “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực sự vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
- Nói về Nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
- Về phong trào cộng sản thế giới, Người mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình.
Rồi dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, với tin tinh thần lạc quan, trách nhiệm với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, chỉ dẫn: Phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh; quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội.
- Về một số việc riêng, khi nói về việc riêng Người chỉ đề cập vỏn vẹn trong 79 chữ, như sự đúc kết cuộc đời của Người trong 79 năm qua. Người chỉ thể hiện sự tiếc nuối “không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân lâu hơn nữa”, rồi căn dặn sau khi mình qua đời “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Có ai hỏi, người nghèo nhất Việt Nam là ai? Có lẽ tôi sẽ trả lời ngay không phân vân là Bác của chúng ta. Người mà không có một tài sản riêng nào, đến lúc cuối đời trên ngực áo vẫn không một tấm Huân chương, hay sơ đẳng nhất là tấm Giấy khen, một căn phòng vắng bóng người phụ nữ… Người mà, ngay cả đồng lương ít ỏi của mình, Bác cũng dành để mua kẹo tặng các cháu, mua lụa tặng các già.
Di chúc của Người cho thấy khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, như Je Lacourture từng nhận xét: “Văn phong kỳ ạ, rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Stalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”.
Di chúc - Thể hiện cốt cách, tầm nhìn của bậc vĩ nhân
Có lẽ trong phần thứ nhất, người đọc cũng có thể nắm được phần nào những biểu hiện về cốt cách, tầm nhìn của Bác trong bản Di chúc, ở đây xin khái quát rõ hơn một số điểm sau:
Một là, Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Mà tâm nguyện ấy là “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”; là lời tâm sự, lời căn dặn khiêm nhường của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Hai là, Di chúc là những căn dặn về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền mà Đảng ta cần học tập và làm theo, đơn sơ như tấm lòng của cha mẹ đối với con cái. Điều này thể hiện rất rõ qua hành động và lời nói của Người. Không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc Người lại để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta bài học về đạo đức.
Đạo đức ấy là gì? Rất đơn giản chỉ là hành động hiến đất làm đường, chăm ngoan học giỏi… được nhân lên từ những câu chuyện thực tế về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như chuyện Bác thăm gia đình chị Tín làm nghề gánh nước thuê trong đêm 30 Tết. Khi được Bác ghé thăm, chị Tín nói: “Cháu không ngờ lại được Bác thăm!”. Bác chỉ nhẹ nhàng nói: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai”. Đấy là lo cho dân ngay từ những việc nhỏ nhất, động viên tinh thần họ vươn lên.
Ba là, nội dung của bản Di chúc mang một tầm nhìn xa về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, với những phác thảo về sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Mà cốt yếu nhất là chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của Nhân dân, phải biết “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” - Tất cả đều vì dân.
Có thể nói, khi đọc toàn văn Di chúc ta thấy toát lên ở đó bóng dáng của một con người vì dân, vì nước; lòng luôn mang một nỗi chung là làm sao cho đất nước được độc lập, Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; thể hiện cốt cách một con người tỷ mỉ, cẩn thận. Tựu chung lại, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở Đảng ta, Nhân dân ta phải: Tăng cường xây dựng Đảng - Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ - Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới - Tăng cường xây dựng đạo đức cách mạng - Bồi dưỡng thế hệ trẻ - Mở rộng quan hệ đối ngoại - Nâng cao vị thế của Việt Nam.
Nguồn: http://thanhuycantho.vn