Cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ,
với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
“CHIẾN DỊCH NÀY LÀ MỘT CHIẾN DỊCH RẤT QUAN TRỌNG"
Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại, nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Chúng hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Bộ Chính trị nhận định, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động. Từ đó, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược - đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Như vậy, ta đã từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” trước đây, tiến tới chọn chỗ mạnh nhất của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Đây là một quyết định táo bạo mà sáng suốt. Trên cương vị tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”(1).
Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng nó có cái yếu cơ bản là bị cô lập. Nó rất xa hậu phương của địch, mọi tiếp tế, vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương lớn.
Để tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn lớn nhất của ta cũng là vấn đề cung cấp. Nhưng quân dân ta có nhiều khả năng khắc phục khó khăn hơn kẻ địch. Đó là hậu phương của ta đang chuyển mình trong cuộc cải cách ruộng đất. Hơn nữa, quân đội ta cũng đã trưởng thành sau các chiến dịch Biên Giới, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, có tiến bộ trong tác chiến, trang bị kỹ thuật, nhất là với ý chí “quyết chiến, quyết thắng” có thể đánh được tập đoàn cứ điểm.
"CHẮC THẮNG MỚI ĐÁNH, KHÔNG CHẮC THẮNG, KHÔNG ĐÁNH"
Để đảm bảo công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được cử vào Thanh Hoá là vùng tự do đông dân, nhiều gạo, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thì về chiến trường quen thuộc là đồng bằng Liên khu 3 trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra trận, Bác Hồ căn dặn vị chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Tổng Tư lệnh Mặt trận, Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(2).
Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của lãnh tụ tối cao đối với mình mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”(3), khi hầu hết Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị, Chủ nhiệm hậu cần, các cán bộ giàu kinh nghiệm của những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, liên đoàn đều thấy nên đánh nhanh, giải quyết nhanh. Trong giờ phút khó khăn ấy, nghĩ lại lời Bác dặn “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”, Đại tướng đã đưa ra quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định trên. Qua đây, chúng ta có được bài học sâu sắc trong việc chọn người giao trọng trách trong công tác sử dụng cán bộ và niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ tối cao đối với những cán bộ đã được ủy thác trọng trách.
HUY ĐỘNG SỨC MẠNH TOÀN QUỐC CHO CHIẾN DỊCH
Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Một cuộc vận động nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân lực, vật lực của cả nước.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước.
Theo số lượng tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ. Ngoài ra còn có hàng trăm xe thô sơ, hàng trăm con ngựa thồ và hàng nghìn chiếc thuyền...
Tuy nhiên, mỗi một tấn hàng hóa chi viện tới được Tây Bắc, đến tay bộ đội là cả một kỳ công của bao người, đổi bao mồ hôi, xương máu của lực lượng vận tải. Khắc phục khó khăn trên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ. Đây là một nguồn rất quan trọng không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Trong đó, đồng bào Tây Bắc đã làm tốt nhiệm vụ này thông qua việc nỗ lực tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch. Bên cạnh đó, nhân dân Tây Bắc còn chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh và gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ…
Trong không khí thi đua “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ở mọi vùng miền, địa phương đều thi đua với nhau chi viện cho mặt trận. Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ đó mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không vượt qua được là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công. Chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân là yếu tố tạo nên thành công vượt bậc đó. Và người đã tập hợp, huy động được sức mạnh đó chính là Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chỉ huy tối cao của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
LUÔN QUAN TÂM CHỈ ĐẠO, ĐỘNG VIÊN CÁN BỘ, CHIẾN SĨ
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người chỉ huy tối cao của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, động viên, hướng dẫn các cán bộ, chiến sĩ. Sự động viên chỉ đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sĩ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt.
Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu - đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén. Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”(4).
Với mặt trận đảm bảo cung cấp cho chiến dịch, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch, Bác cũng đã có thư riêng “Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Bác đã tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công trong chiến dịch Tết Giáp Ngọ (1954), Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca uống nước rất đẹp có in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.
Tới gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch, tháng 3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Chiều ngày 14/3/1954, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận trân trọng đăng thư này. Trong thư, Người chỉ rõ nhiệm vụ trong chiến dịch này là “rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang", và tin tưởng rằng, cán bộ và chiến sĩ ta sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”(5).
Ngày 15/3/1954, giữa những trận đánh căng thẳng, ác liệt của đợt 1 chiến dịch, Bác Hồ và Trung ương Đảng gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ; nêu ý nghĩa lịch sử của chiến dịch cả về chính trị và quân sự và nhắc nhở quân và dân ta “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành thắng lợi trong chiến dịch này”(6).
Ngoài thư, điện gửi bộ đội, dân công, Bác Hồ còn viết nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, khẳng định thắng lợi tất yếu của chiến dịch Điện Biên Phủ và của cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Người còn dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến trường. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Có thể thấy, suốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người luôn nêu cao tác phong sâu sát, tỷ mỷ, luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ. Theo dõi chiến dịch, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Bác đã đem tới cho cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi.
Với thế trận áp đảo trên tất cả các mặt trận, toàn bộ giặc Pháp ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng ra hàng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối chung đến chỉ đạo từng trận đánh. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn./.
______________
(1) (2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.5, tr.403, 416.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr.314.
(4) (5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.8, tr.378, 433, 434.
Nguồn: bantuyengiao.cantho.gov.vn