Tất bật vào mùa
Những ngày này, các cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm đang tất bật vào mùa tăng cường sản xuất lưới, dớn, lú, chài… phục vụ người dân. Tại cơ sở sản xuất lưới Quý, gần 30 công nhân đang hối hả làm việc, được chia thành từng nhóm làm các công đoạn như: đan tay, đan lưới, dệt máy, kết lưới bắt viền, cột phao kéo chì, dập chì… để hoàn thành các tay lưới. “Nghề lưới ở Thơm Rơm làm quanh năm, nhưng tập trung sản xuất mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 (AL). Năm nào lũ lớn, thì nhu cầu mua lưới của người dân cũng tăng cao”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở cho hay. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Hà cung cấp ra thị trường hàng trăm tay lưới.
Ông Nguyễn Văn Xô, người có gần 30 năm trong nghề sản xuất lưới ở Thơm Rơm bộc bạch: “Nhờ lưới sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế kinh, mương, sông, lạch và giá bán thấp nên sản phẩm bán rất chạy”. Ông Xô cũng cho biết thêm, lưới ở Thơm Rơm có nhiều loại như: lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn bắt các loại cá lớn.
Theo nhiều cơ sở sản xuất lưới, năm nay do giá chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công, điện… đều tăng, nên giá lưới cũng nhích nhẹ từ 10 - 15%. Rút kinh nghiệm năm rồi, lũ lớn nên nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao, nhiều cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm bị “cháy hàng”.
Anh Phạm Phước Hưng, một chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Năm rồi nhu cầu mua lưới của người dân tăng cao, lưới bán ra nhiều, hiện cơ sở của anh cũng tranh thủ tăng cường sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ cung ứng cho người dân”.
Xây dựng thương hiệu làng nghề
Nghề lưới ở Thơm Rơm hình thành từ những năm 1980, do một nhóm người di cư từ Huế vào. Khi đó, ĐBSCL vẫn là vùng đất “làm chơi, ăn thiệt”, cá tôm nhiều vô kể. Vào mùa nước nổi, người dân nơi đây phải mua lưới để bắt cá từ những cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, thậm chí mua cả các loại lưới của Thái Lan.
Vào mùa vụ, làng lưới Thơm Rơm giải quyết công việc cho khoảng 1.000 lao động ở địa phương.
Thấy nghề lưới có khả năng phát triển, năm 1997, ông Nguyễn Xuân Điệp (hiện là chủ cơ sở sản xuất lưới ở Thơm Rơm) đã thử sản xuất lưới bán cho người dân. Một hộ làm, rồi nhiều hộ cũng “ăn theo” và hình thành nên làng lưới Thơm Rơm ngày nay. Hiện có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất lưới, vào mùa vụ giải quyết gần 1.000 lao động nhàn rỗi ở địa phương, kể cả người nhà và trẻ em, với thu nhập từ 70.000 đến 120.000 đồng. Nhiều hộ còn nhận hàng về nhà làm, rồi giao lại cho chủ cơ sở. Em Võ Hồng Đức (12 tuổi) bộc bạch: “Gia đình em nghèo nên nghỉ học sớm, mỗi ngày em kiếm được 40.000 đồng từ việc dập chì, phụ giúp gia đình. Công việc ở đây khá nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của em và các bạn cùng trang lứa”.
Có một khoảng thời gian, lưới ở Thơm Rơm “vấp” phải sự cạnh tranh mạnh của lưới Thái Lan. Dập chì là công đoạn “chua” nhất của nghề làm lưới. Người thợ phải dùng răng mình cắn “nạp” chì vào viền lưới, hoặc dung kềm nên rất lâu, sản phẩm làm ra có giá thành cao, không cạnh tranh lại với lưới Thái Lan. Từ những trăn trở đó, ông Phan Thanh Dũng, một chủ cơ sở sản xuất lưới đã phát minh ra máy dập chì đạp bằng chân, giúp năng suất tăng từ 4-5 lần. “Nếu quen tay, mỗi người có thể hoàn thành được gần 20 tay lưới trong một ngày. So với thời còn “cắn chì” thì chỉ khoảng 4-5 tay lưới”, ông Dũng nói.
Người dân chọn mua lưới về để đánh bắt cá trong mùa nước nổi.
Theo ông Võ Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), quận đã có văn bản, tờ trình đề nghị các cơ quan chức năng công nhận làng nghề đan lưới Thơm Rơm, tạo sơ sở pháp lý cho nghề này phát triển. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ cho bà con vay vốn, thực hiện các chế độ về bảo hiểm xã hội để người dân yên tâm trong quá trình phát triển làng nghề”.
Để duy trì và phát triển làng nghề, lưới Thơm Rơm đã từng bước cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và có mặt khắp các tỉnh ĐBSCL và xuất sang Campuchia, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Nguồn: Báo CAND